ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV DINA

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV DINA

Anh, chị em ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau không?

Nghĩa vụ cấp dưỡng là gì?

Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ:

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

Theo quy định này, việc cấp dưỡng được đặt ra khi có các điều kiện sau đây:

- Giữa những người có quan hệ hôn nhân (vợ, chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ và con, anh chị em ruột, ông bà nội ngoại với cháu ruột...), quan hệ nuôi dưỡng (cha mẹ nuôi với con nuôi).

- Người được cấp dưỡng là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người được cấp dưỡng là người gặp khó khăn, túng thiếu.

- Người được cấp dưỡng không sống cùng người cấp dưỡng.

- Người cấp dưỡng đóng góp tiền/tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu.

Đặc biệt, đây là nghĩa vụ không thể thay thế bằng các nghĩa vụ khác cũng như người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thể chuyển giao nghĩa vụ này cho người khác được.

Do đó, nếu một người có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng trốn tránh thực hiện nghĩa vụ này thì tuỳ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người này có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự:

Xử phạt hành chính

Căn cứ Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu anh, chị, em từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nếu thuộc trường hợp phải cấp dưỡng thì sẽ bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.

Đồng thời, người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng còn bị buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

Chịu trách nhiệm hình sự

Theo khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017 nêu rõ, người nào từ chối hoặc trốn nghĩa vụ cấp dưỡng thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

- Thuộc trường hợp phải cấp dưỡng và có khả năng cấp dưỡng nhưng trốn tránh hoặc từ chối cấp dưỡng khiến người bị cấp dưỡng bị nguy hiểm tính mạng, sức khoẻ.

- Bị phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.


Anh chị em ruột có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau không?

Như phân tích ở trên, việc cấp dưỡng xảy ra khi người được cấp dưỡng và người cấp dưỡng có quan hệ ruột thịt, hôn nhân, nuôi dưỡng. Đồng thời, Điều 107 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng khẳng định các mối quan hệ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng gồm:

- Cha mẹ con.

- Anh chị em với nhau.

- Ông bà nội, ông bà ngoại và cháu.

- Cô dì chú cậu bác ruột và cháu ruột.

- Vợ và chồng.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 112 Luật Hôn nhân và Gia đình, anh, chị, em chỉ có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

- Không còn cha mẹ.

- Cha mẹ không có khả năng lao động, không có tài sản để cấp dưỡng cho con.

Trong trường hợp này, nếu anh, chị đã thành niên không sống chung với em thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản tự nuôi mình hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản tự nuôi mình.

Ngược lại, nếu em đã thành niên không chung sống với anh, chị không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình thì cũng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị.

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị và em đều áp dụng với cả hai phía: Anh chị với em hoặc em với anh chị. Đây là mối quan hệ cấp dưỡng được ưu tiên thứ hai sau nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ, con.

Nguồn: st

-----------
Để được hỗ trợ những vấn đề pháp luật liên quan, vui lòng liên hệ: CÔNG TY LUẬT DINA
Địa chỉ: (1) 229 Đường Nguyễn Đệ, phường An Hoà, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
(2) Ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ
Mail: luatdina@gmail.com