ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV DINA

ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV DINA

Thế nào là cưỡng đoạt tài sản? Mức phạt Tội cưỡng đoạt tài sản mới nhất

1. Thế nào là cưỡng đoạt tài sản? 

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi xâm phạm quyền sở hữu của người khác bị pháp luật nghiêm cấm. Người thực hiện hành vi này thông qua việc đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc uy hiếp tinh thần bằng các thủ đoạn khác để buộc chủ tài sản (hoặc người có trách nhiệm với tài sản) phải giao tài sản.

Cụ thể:

- Hành vi đe dọa dùng vũ lực: Được hiểu là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực gây thiệt hại cho nạn nhân với mục đích làm cho nạn nhân sợ hãi và giao tài sản.

Đáng lưu ý, giữa thời điểm đe dọa dùng vũ lực với thời điểm dùng vũ lực sẽ có một khoảng thời gian nhất định để người bị đe dọa có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động. 

Việc đe dọa dùng vũ lực có thể thực hiện thông qua hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp:

+ Đe dọa trực tiếp: Đe dọa bằng lời nói, cử chỉ, hành động… trực tiếp, công khai với nạn nhân;

+ Đe dọa gián tiếp: Thông qua các hình thức như tin nhắn, điện thoại… mà không trực tiếp gặp nạn nhân.

- Thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác: Người cưỡng đoạt tài sản sẽ dùng các thủ đoạn gây áp lực về tinh thần của đối phương để họ hoang mang, lo sợ và giao tài sản theo yêu cầu. Ví dụ như: Dọa đốt nhà; dọa đập phá tài sản; dọa làm khó trong công việc…

Như vậy, chỉ khi mục đích của các hành vi de doạ trên là chiếm đoạt tài sản thì mới dược xác định là cưỡng đoạt tài sản. Ngược lại, nếu chỉ đe doạ dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần mà không nhằm chiếm đoạt tài sản thì không được xem là cưỡng đoạt tài sản mà có thể là hành vi khủng bố, bức tử...

2. Tội cưỡng đoạt tài sản hoàn thành khi nào?

Do Tội cưỡng đoạt tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức nên ngay cả khi người phạm tội chưa gây ra hậu quả (chưa chiếm đoạt được tài sản) nhưng có ý thức chiếm đoạt và đã thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người có trách nhiệm quản lý về tài sản thì tội phạm đã được coi là hoàn thành.

Trường hợp gây ra hậu quả thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung hình phạt khác nhau

Bên cạnh đó, trường hợp người phạm tội dù chưa thực hiện hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc chưa dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người quản lý tài sản nhưng đã có ý thức chiếm đoạt và sự chuẩn bị từ trước thì vẫn bị xem xét xử lý theo trường hợp chuẩn bị phạm tội.

3. Mức phạt Tội cưỡng đoạt tài sản

Theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt áp dụng với Tội cưỡng đoạt tài sản như sau:

Hình phạt chính

Khung 01:

Phạt tù từ 01 - 05 năm với người thực hiện hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản

Khung 02:

Phạt tù từ 03 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Có tổ chức;

- Có tính chất chuyên nghiệp;

- Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 - dưới 200 triệu đồng;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tái phạm nguy hiểm.

Khung 03:

Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng;

- Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Khung 04:

Phạt tù từ 12 - 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

- Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;

- Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Hình phạt bổ sung

- Phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng; hoặc

- Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ngoài ra, theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021, trường hợp cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng. Đồng thời, buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm này.

Nguồn: st

-----------
Để được hỗ trợ những vấn đề pháp luật liên quan, vui lòng liên hệ: CÔNG TY LUẬT DINA
Địa chỉ: (1) 229 Đường Nguyễn Đệ, phường An Hoà, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
(2) Ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ
Mail: luatdina@gmail.com